Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà báo Phạm Hồng Tuyến – con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên – cho biết, gia đình bức xúc khi trên mạng đang lan truyền ca khúc Chú voi con ở Bản Đôn với những biến thể lẫn phần lời ca khúc khác với bản gốc.
“Bài hát đã bị điều chỉnh từ giọng trưởng sang giọng thứ mà chưa được sự chấp thuận của bố tôi. Bài hát nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội cũng nhờ bài hát gốc quá nổi tiếng. Cả bố tôi và gia đình đều cảm thấy khó chịu vì không ai xin phép tác giả để cho ra bài hát phái sinh này.
Khi đưa cho bố nghe bản nhạc này, ông chỉ cười và nói đây không phải là bài hát gốc. Bản nhạc này đã vi phạm bản quyền sáng tác của bố tôi”, chị Hồng Tuyến thẳng thắn cho biết.
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết thêm, đây không phải là lần đầu bài hát Chú voi con ở Bản Đôn bị làm sai lệch phần nhạc và phần lời. Có lần, một người bạn của chị gửi clip có ca sĩ hát bài này ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhưng lời lại khác.
Còn rất nhiều lần khác, chị biết thông tin chỗ này, chỗ kia hát bài Chú voi con ở Bản Đôn nhưng đều không phải bản gốc mà bị biến tấu đi nhiều.From: web game casino
Chị nói: “Gia đình tôi có ủy thác cho một đơn vị để kiểm soát bản quyền các bài hát thiếu nhi trên Internet của nhạc sĩ Phạm Tuyên, những bài biến tấu kiểu này ở trên Youtube, Tik Tok đã bị chặn link, trên Facebook cũng đang có những biện pháp để ngăn chặn việc vi phạm bản quyền.
Nhưng lần này, bài Chú voi con ở Bản Đôn dùng giai điệu, tông giọng khác nên chắc phải giải quyết lâu hơn”, chị Hồng Tuyến cho hay.
Chị Hồng Tuyến kể lại, mấy năm trước ê-kíp chương trình Chúng tôi là chiến sĩ có liên hệ gia đình và hỏi chị: “Số này chúng em có nói về bác Phạm Tuyên, vậy có bài hát nào của ông hợp với Tây Nguyên không?”.
“Tôi bảo có bài Chú voi con ở Bản Đôn đấy. Sau đó, họ đặt các ca sĩ chuyên nghiệp tại Tây Nguyên hát bài này. Khi họ gửi lại gia đình nghe bài hát trước khi lên sóng (do Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk trình bày), nhưng bản đó không phải bản gốc mà đã bị biến thể rồi. May mà tôi chặn được bản phái sinh này. Nếu không trên sóng truyền hình quốc gia lại phát bản biến tấu của bài hát”, chị Hồng Tuyến nói.
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên khẳng định, bài hát Chú voi con ở Bản Đôn là bài hát thiếu nhi nổi tiếng, nhiều thế hệ trẻ thơ hát và thuộc. Nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ủng hộ sự sáng tạo làm mới tác phẩm của ông, nhưng như vậy không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi bài hát mà không xin phép tác giả.
“Nhiều người nghĩ rất đơn giản, họ mặc nhiên “khoác áo mới” lên bài hát mà không nghĩ đến tác giả. Tôi nghĩ, dù làm mới vẫn phải xin phép và chỉ khi được sự đồng ý của tác giả thì bản nhạc biến tấu đó (còn gọi là phái sinh) mới được phát hành trên các nền tảng.
Có người nói, gia đình chị “kêu” như thế thì giải quyết được gì, nhưng chúng tôi đã có đơn vị ủy thác để xử lý vụ này. Chúng tôi lên tiếng để cảnh tỉnh những người biến tấu các tác phẩm củabố tôi. Nếu không nói, thì sự việc sẽ còn kéo dài…”, nhà báo Hồng Tuyến bày tỏ.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Phạm Tuyên từng kể, năm 1983, ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Hoàng Vân đi thực tế ở Đắk Lắk. Cán bộ tỉnh giới thiệu ba ông về Buôn Đôn – nơi có truyền thống thuần dưỡng voi để thực tế.
Sau đó, ông viết bài Chú voi con ở Bản Đôn, tác phẩm được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích.
“Một thời gian sau, bài hát Chú voi con ở Bản Đôn được chọn làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Đắk Lắk. Bài hát được cả người lớn và trẻ con yêu thích, điều đó cho tôi thấy rằng có sự bình đẳng nghệ thuật giữa người lớn và trẻ con. Một bài ca thiếu nhi mà được chọn làm nhạc hiệu như vậy là lớn và oai lắm…”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại.